Theo Hải Quan Online – Tạp chí của Tổng cục Hải Quan
Trong bối cảnh kinh tế xáo trộn và xu hướng tiêu dùng thay đổi cùng áp lực cạnh tranh gay gắt, việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng và áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thông tin tại sự kiện “Giải mã tương lai ngành bán lẻ Việt Nam: Vượt qua ranh giới và Nắm bắt xu hướng mới” do Bizzi Vietnam tổ chức chiều ngày 7/8, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielsen IQ Việt Nam cho rằng, thị trường tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp bán lẻ thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới
Người tiêu dùng hiện nay ngày càng cẩn trọng hơn trong vấn đề chi tiêu và ngày càng quan tâm đến các chi tiết của sản phẩm và giá của sản phẩm. Người tiêu dùng sẵn sàng tìm kiếm các kênh bán hàng với giá ưu đãi, tìm kiếm các deal tốt để đối phó với tình trạng giá sản phẩm ngày càng tăng. Sự nhạy cảm về giá cả đã dẫn đến sự thay đổi trong xu hướng chọn lựa mua sắm. Qua khảo sát có đến 68% người tiêu dùng kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm.
Mặt khác, sự gia tăng của mua sắm trực tuyến và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Kênh bán hàng truyền thống đang có xu hướng chững lại, trong khi kênh bán hàng xu hướng hiện đại có mức tăng trưởng ổn định.
Theo đánh giá của chuyên gia Nielsen IQ, mặc dù người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm các chi tiêu không thiết yếu song tình hình kinh tế, giá thực phẩm và sức khỏe vẫn là mối quan tâm hàng đầu.
Đặc biệt, người tiêu dùng rất chú trọng đến yếu tố chất lượng của sản phẩm, đúng tiêu chí “mua đúng giá trị của sản phẩmˮ. Theo đó, các nhãn hàng cần chứng minh giá trị của các sản phẩm đối với người tiêu dùng và thuyết phục họ rằng sản phẩm đó đáng để người tiêu dùng chọn mua. Việc lập chiến lược về mức giá hợp lý với khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày, dựa trên thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu, sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn, bà Dung nhấn mạnh.
Việc xác định đúng điểm bán là một trong những yếu tố quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần tập trung vào các khu vực có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các hoạt động kích cầu hiệu quả là không thể thiếu trong chiến lược bán lẻ. Doanh nghiệp cần đo lường hiệu suất tại cửa hàng để điều chỉnh các điều kiện nhằm mang lại lợi tức đầu tư tối đa. Doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá và cải tiến các hoạt động quảng bá, khuyến mãi để duy trì và gia tăng sự quan tâm của khách hàng.
Ông Đồng Bảo Toàn, Tư vấn giải pháp cấp cao tại Oracle NetSuite cho rằng, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu như hiện nay, để bán hàng và giữ chân khách hàng, nâng cao giá trị ngành bán lẻ, doanh nghiệp cần tối ưu hoá chuỗi cung ứng và trực quan hoá góc nhìn quản trị. Trong đó, công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều. Áp dụng công nghệ để tăng trưởng bán hàng online. Song doanh nghiệp cần đầu tư theo bức tranh tổng thể. Bán online cần có hệ thống để bán ở nhiều kênh.
Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, người tiêu dùng sẽ nâng cao tiêu chuẩn và mong đợi nhiều hơn từ các cửa hàng. Khi việc mua sắm trở nên dễ dàng nhờ công nghệ, các cửa hàng phải đổi mới hình thức. Bên cạnh chức năng giới thiệu và bán sản phẩm, các cửa hàng cần trở thành các trung tâm phân phối nhỏ, giúp tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh quá trình giao hàng.
Theo dõi Bizzi để nhanh chóng nhận thông tin mới nhất:
- Facebook: https://www.facebook.com/bizzivietnam
- Linkedin: https://www.linkedin.com/company/bizzi-vietnam/
- Youtube: https://www.youtube.com/@bizzivietnam