Chi phí tổn thất do bão Yagi: Doanh nghiệp có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN?

Bão Yagi đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có việc gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhiều doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, việc được trừ các chi phí tổn thất do bão Yagi vào thuế TNDN là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đối với chi phí tổn thất do bão Yagi mà không được bồi thường thì khoản chi phí này sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp.

Bài viết này, Bizzi sẽ đi sâu quy định về vấn đề này, giúp doanh nghiệp có cơ sở để áp dụng vào thực tế sau cơn bão Yagi.

Chi phí tổn thất do bão Yagi: Doanh nghiệp có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN?

1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 bao gồm:

– Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

+ Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã 2023

+ Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

– Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi 2014) phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

+ Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;

+ Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;

+ Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;

+ Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

– Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập, bao gồm:

+ Chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, hầm mỏ, mỏ dầu, khí hoặc địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên khác tại Việt Nam;

+ Địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp;

+ Cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hay một tổ chức, cá nhân khác;

+ Đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài;

+ Đại diện tại Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

2. Chi phí tổn thất do bão Yagi: Doanh nghiệp có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN? 

Theo khoản 2.1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) thì trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể như sau:

* Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.

* Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

** Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn được tính vào chi phí được trừ như sau:

– Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

** Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:

– Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

** Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (sửa đổi 2020) thì thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Qua bài viết, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về việc các chi phí tổn thất do bão Yagi có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Việc nắm vững quy định này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu gánh nặng thuế và có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia kế toán hoặc cơ quan thuế.

Theo Thư viện pháp luật

>> Xem thêm: Khắc phục sau cơn bão Yagi: Các khoản chi về thiên tai được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2024

Theo dõi Bizzi để nhanh chóng nhận thông tin mới nhất:

 

Trở lại