Câu chuyện gọi vốn từ CEO Startup triệu USD trong lĩnh vực chuyển đổi số hoạt động tài chính của doanh nghiệp

Hành trình gọi vốn của Bizzi

1/ Chào anh, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân cũng như về Bizzi được không?

Anh là Vũ Trọng Nghĩa, là co-founder và CEO của Bizzi – một công ty khởi nghiệp về công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ cuối năm 2019. Trước khi thành lập Bizzi, anh đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc và trải qua rất nhiều vị trí khác nhau như Management Trainee (Quản trị viên tập sự) tại Unilever, Brand Manager (Giám đốc nhãn hàng) của GlaxoSmithKline,…

Ngoài ra, anh đã từng làm việc với vai trò giám đốc điều hành (Managing Director) tại một mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần (Angel Investment Network) tại Mỹ trong thời gian du học MBA nhờ học bổng Fulbright. Từ đó, anh đã có thêm nhiều hứng thú với các công ty khởi nghiệp về công nghệ. Sau khi về Việt Nam, anh cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này và có cơ duyên gặp được co-founder (nhà đồng sáng lập) của mình và cùng nhau xây dựng Bizzi. Hiện tại Bizzi đang có sự tăng trưởng ổn định, với nhiều khách hàng là các công ty đa quốc gia như P&G, Abbott, Grab, và đặc biệt là các chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam như Circle K, Family Mart,…

2/ Từ khi thành lập đến giờ, anh đã huy động vốn cho công ty của mình như thế nào? 

Cho đến thời điểm hiện tại, Bizzi đã trải qua hai vòng gọi vốn là vòng Seed và vòng Pre-Series A (Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về các vòng gọi vốn tại ĐÂY). Tại vòng Seed, Bizzi đã được rót vốn bởi quỹ 500 Startups Vietnam. Tại vòng Pre-Series A vừa qua, anh cùng đội ngũ Bizzi đã huy động thành công 3 triệu USD từ công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản Money Forward, cùng quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa Do Ventures và nhà đầu tư vòng trước Qualgro đến từ Singapore.

3/ Trong quá trình ấy, anh đã tìm kiếm nhà đầu tư/quỹ đầu tư như thế nào?

Thật ra anh cũng như Bizzi không dành quá nhiều thời gian để tìm kiếm nhà đầu tư, vì công việc kinh doanh và quản lý cũng đã chiếm phần lớn quỹ thời gian. Tuy nhiên, để nói về quá trình tìm kiếm nhà đầu tư, anh nghĩ đây cũng là một cái duyên từ hai phía. Khi đó, nhà đầu tư của anh đang tìm kiếm các startup trong lĩnh vực mà họ quan tâm là tự động hóa trong lĩnh vực tài chính, kế toán, và đặc biệt là số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực của Bizzi cũng không nhiều. Chính vì vậy, một số quỹ và nhà đầu tư đã chủ động liên hệ với Bizzi để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Thương vụ gọi vốn thành công nhất

1/ Đâu là lần gọi vốn mà anh cho là thành công nhất, vì sao?

Có thể nói vòng Pre-Series A chính là vòng gọi vốn thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại, cả về mặt tài chính và thời gian. Đối với Bizzi, thời gian từ lúc gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư cho đến khi hoàn thành các thủ tục chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 4 tháng, ngay trong khoảng thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Tại sao anh lại lựa chọn gọi vốn từ các công ty và các quỹ đó?

Thông thường một startup sẽ muốn tìm một nhà đầu tư đi với mình lâu dài chứ không lựa chọn một nhà đầu tư chỉ vì tiền. Khi lựa chọn nhà đầu tư, đầu tiên anh cho rằng người đối tác đó trước hết cần phải có cùng tầm nhìn và có niềm tin vào startup cũng như niềm tin vào các nhà sáng lập. Họ cũng cần có những giá trị cốt lõi mà startup mong muốn, ví dụ như sự tôn trọng, sự chính trực,… Ngoài ra, sẽ tốt hơn nếu phía nhà đầu tư đã từng hoạt động trong lĩnh vực của startup. Cụ thể, trong các nhà đầu tư của Bizzi, Money Forward đã có kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kế toán tự động tại Nhật Bản, và họ sẽ có khả năng giúp đỡ Bizzi phát triển như cách họ đã làm trên thị trường Nhật Bản.

3/ Anh nghĩ rằng yếu tố nào là quan trọng nhất khiến cho công ty của mình gọi vốn thành công?

Anh cho rằng đó là yếu tố về thị trường. Bizzi cũng như các nhà đầu tư đều thấy được sự tiềm năng về thị trường khi chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp được thúc đẩy tại Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động tài chính, kế toán. Đây chính là cơ hội để Bizzi có thể phát triển và mở rộng thị trường của mình.

4/ Những giá trị mà công ty nhận được từ nhà đầu tư sau khi gọi vốn thành công (ngoài tiền) là gì?

Mỗi nhà đầu tư đem đến cho Bizzi một giá trị khác nhau. Giá trị đầu tiên là về mạng lưới đối tác. Bizzi đã tạo được ấn tượng cũng như sự tin tưởng từ những khách hàng lớn sau khi được rót vốn từ các quỹ đầu tư uy tín và có tiếng tăm. Ngoài mạng lưới đối tác, kinh nghiệm cũng là một giá trị quan trọng mà Bizzi nhận được. Money Forward đã có kinh nghiệm phát triển, quản trị, tổ chức doanh nghiệp. Nhà đầu tư này đã hỗ trợ chuyển giao các kiến thức, công nghệ để Bizzi có thể phát triển tốt hơn.

Bizzi sau khi gọi vốn thành công

Anh có gặp khó khăn gì sau khi nhận được số tiền đầu tư này hay không? 

Khi gọi vốn, Bizzi đã chuẩn bị để phát triển cho cột mốc tiếp theo bằng việc xác định quy mô, số lượng nhân sự, khách hàng hay doanh thu sẽ đạt được sau khi gọi vốn. Khó khăn mà Bizzi gặp phải đó là độ trễ trong các công việc. Ví dụ như khi tuyển dụng thêm nhân sự để mở rộng quy mô, công việc tuyển dụng kéo dài hơn dự kiến, gây ra độ trễ trong quá trình phát triển, mở rộng công ty.

Lời khuyên cho các nhà khởi nghiệp trẻ

1/ Theo anh, các nhà sáng lập cần chuẩn bị những gì để có một buổi pitching thành công? 

Anh nghĩ trước hết các nhà sáng lập cần phải có một câu chuyện đủ thuyết phục để nhà đầu tư thấy được rằng đây là một cơ hội hấp dẫn và đội ngũ founder là những người phù hợp để nắm bắt cơ hội đó. Bên cạnh đó, các bạn hãy chuẩn bị thật tốt về tâm thế của mình. Hãy xem buổi pitching với nhà đầu tư là buổi thảo luận nhằm đạt được lợi ích của cả hai bên.

2/ Bài học lớn nhất mà anh muốn dành cho các startup trẻ? 

Anh nghĩ điều quan trọng nhất là các nhà sáng lập nên xây dựng các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất cho công ty của mình. Đôi khi, một quỹ lớn thì chưa chắc đã phù hợp với startup bằng các quỹ nhỏ hơn.

Ngoài ra, các nhà sáng lập cũng cần tìm hiểu và đánh giá nhà đầu tư thật cẩn thận, để nắm rõ giá trị thực sự mà nhà đầu tư sẽ mang lại sau khi gọi vốn có thể đúng như kỳ vọng của mình hay không. Có thể nhà đầu tư sẽ đưa ra những hứa hẹn, nhưng thực tế sau khi đầu tư thì mọi việc sẽ không thực sự đúng như mong muốn của mình!

Cảm ơn anh về những chia sẻ của mình!

 

Nguồn: Táo Start-up

Trở lại