Sổ tay kế toán: Giải thích thuật ngữ “Chi phí sử dụng vốn”

Thuật ngữ “Chi phí sử dụng vốn” là một khái niệm trong lĩnh vực kế toán và tài chính, được sử dụng để đo lường chi phí của việc sử dụng vốn đầu tư trong một doanh nghiệp hoặc dự án. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả kinh doanh và quản lý tài chính. Cùng Bizzi tìm hiểu thông tin về thuật ngữ này bạn nhé!

Chi phí sử dụng vốn là gì?
Chi phí sử dụng vốn là gì?

Chi phí sử dụng vốn là gì?

Thuật ngữ này có thể được hiểu trên hai góc độ:

  • Doanh nghiệp – bên sử dụng vốn: là khoản chi phí dự tính mà doanh nghiệp phải bỏ ra để được sử dụng nguồn vốn đó.
  • Nhà đầu tư – bên cung cấp vốn: là giá trị sinh lời mà nhà đầu tư hay chủ nợ (trái chủ) kỳ vọng nhận được khi cung cấp vốn cho doanh nghiệp.

Một cách đơn giản hơn, chi phí sử dụng vốn chính là “cái giá của việc sử dụng tiền”. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản chất chính là chi phí cơ hội của việc sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư vào doanh nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu vốn, doanh nghiệp hay người kinh doanh phải huy động từ nhiều nguồn. Các nguồn này được phân thành hai loại chính, đó là vốn vay và vốn chủ sở hữu. Với mỗi loại khác nhau sẽ có chi phí sử dụng vốn khác nhau.

Xác định chi phí sử dụng vốn để làm gì?

Giả sử, bạn đứng trước một câu hỏi: “Có nên mua thêm máy mới để gia tăng năng suất của nhà máy hay không?”. Sẽ có rất nhiều câu hỏi liên quan khác được đặt ra. Trong số đó, chắc chắn không thể thiếu một yếu tố then chốt đầu tiên – “tiền đâu”?

Đối với bất kỳ nhà quản trị tài chính doanh nghiệp nào, việc tính toán và ước lượng chi phí sử dụng vốn là rất quan trọng. Mục tiêu chính là để có cơ sở ra quyết định huy động thêm vốn mới cho dự án đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp cần biết được chi phí cận biên cho số vốn mới – nghĩa là chi phí sử dụng vốn bình quân cho mỗi một đồng vốn mới tăng thêm – để lựa chọn quy mô vốn huy động phù hợp và tối ưu nhất.

Ngoài ra, xem xét chi phí sử dụng vốn có thể giúp cho nhà quản trị có được tầm nhìn khi cân nhắc lựa chọn chiến lược huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp.

Đặc điểm

  • Chi phí sử dụng vốn biến động dựa trên các quy luật của thị trường, bởi vì “vốn” cũng là một loại hàng hóa. Nói cách khác, chi phí sử dụng vốn không phải lúc nào cũng do doanh nghiệp quyết định một cách chủ quan, mà nó được xác định trên cơ sở cung và cầu về vốn trên thị trường.
  • Chi phí sử dụng vốn được xem xét dựa trên cơ sở mức độ rủi ro của dự án đầu tư. Quy luật “high risk – high return” – nếu dự án đầu tư có rủi ro càng cao thì tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư cũng càng cao, do đó chi phí sử dụng vốn sẽ tăng lên và ngược lại.
  • Chi phí sử dụng vốn phản ánh mức sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại chứ không phải trong quá khứ.
  • Chi phí sử dụng vốn thường được đo lường bằng tỷ lệ %.
  • Chi phí sử dụng vốn đã bao hàm mức bù lạm phát và mức lãi suất thực mà nhà đầu tư đòi hỏi.
Xem xét chi phí sử dụng vốn giúp cho nhà quản trị có được tầm nhìn khi cân nhắc lựa chọn chiến lược huy động vốn dài hạn
Xem xét chi phí sử dụng vốn giúp cho nhà quản trị có được tầm nhìn khi cân nhắc lựa chọn chiến lược huy động vốn dài hạn

Những yếu tố quyết định chi phí sử dụng vốn

Như đã trình bày ở trên, chi phí sử dụng vốn phần lớn được xác định bởi thị trường, và chịu tác động bởi các yếu tố chủ quan lẫn khách quan:

Nhóm yếu tố khách quan

  • Lãi suất thị trường: Khi lãi suất thị trường ở mức cao thì tỷ suất sinh lời đòi hỏi của các nhà đầu tư cũng cao, do đó chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng cao và ngược lại.
  • Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp: Lãi vay được tính vào chi phí làm giảm trừ khoản thu nhập chịu thuế, từ đó giúp giảm số thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải nộp. Vì vậy, lãi vay đem lại khoản lợi về thuế. Nếu thuế suất cao, khoản lợi về thuế lớn, làm giảm chi phí sử dụng vốn vay và ngược lại.

Nhóm yếu tố chủ quan

  • Chính sách đầu tư: Nếu doanh nghiệp thực hiện đầu tư vào những tài sản có mức độ rủi ro cao, thì tỷ suất sinh lời đòi hỏi của các nhà đầu tư cũng cao và ngược lại.
  • Chính sách tài trợ: Khi doanh nghiệp huy động vốn vay nhiều sẽ làm tăng rủi ro tài chính đối với khoản vốn của các nhà đầu tư, điều đó kéo theo sự gia tăng chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp.
  • Chính sách cổ tức: Chính sách cổ tức của công ty quyết định quy mô lợi nhuận tái đầu tư nhiều hay ít. Nếu hạn chế mức chi trả cổ tức, doanh nghiệp có nguồn lực tái đầu tư nhiều hơn, và hạn chế phải huy động vốn từ bên ngoài, nên có chi phí sử dụng vốn cao hơn. Bởi lẽ, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu cao hơn chi phí sử dụng vốn vay.

Các loại chi phí sử dụng vốn

Chi phí sử dụng vốn vay

Đối với các loại vốn vay, chẳng hạn như trái phiếu, chi phí sử dụng vốn sẽ là tiền lãi định kỳ được tính trên mệnh giá trái phiếu. Nhìn chung các chi phí sử dụng vốn nợ tương đối dễ xác định vì ngay từ đầu phía doanh nghiệp và các chủ nợ đã thống nhất với nhau về khoản chi phí này.

Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu được hình thành bằng cách góp vốn, chào bán cổ phần (thường đối với các công ty cổ phần) hoặc sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại. Đối với vốn chủ sở hữu, chi phí sử dụng vốn không dễ để xác định vì các khoản lợi tức mà doanh nghiệp trả cho cổ đông không được cam kết ngay từ đầu – trừ trường hợp cổ phần ưu đãi. Do đó, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu thường được xác định dưới góc độ nhà đầu tư, dựa trên “tỷ suất sinh lời kỳ vọng”, và được tính bằng mô hình định giá tài sản vốn – CAPM.

Chi phí sử dụng vốn được tính như thế nào?

Công thức tính chi phí sử dụng vốn

Chi phí sử dụng vốn được tính bằng bình quân gia quyền chi phí phải trả mỗi hàng hóa. Cụ thể:

WACC = (E/V) * Re + (D/V) * Rd * (1 – Tc)

Trong đó:

  • Re: Chi phí vốn chủ sở hữu
  • Rd: Chi phí sử dụng nợ
  • E: Tổng giá trị thị trường vốn cổ phần
  • D: Tổng giá trị thị trường nợ
  • V: Tổng giá trị nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp
  • Tc: Thuế thu nhập doanh nghiệp
Chi phí sử dụng vốn được tính như thế nào? 
Chi phí sử dụng vốn được tính như thế nào?

Ý nghĩa của chi phí sử dụng vốn

  • Đánh giá quyết định tài chính: cung cấp thông tin quan trọng cho các công ty và nhà đầu tư để đưa ra quyết định về phân bổ tài nguyên tài chính. Điều này giúp xác định cách tài trợ hoặc đầu tư vào các dự án và cấu trúc vốn của công ty.
  • Đánh giá cơ hội đầu tư: hỗ trợ công ty và nhà đầu tư trong việc đánh giá các cơ hội đầu tư khác nhau. Bằng cách chuyển đổi các dòng tiền trong tương lai thành giá trị hiện tại thông qua việc chiết khấu, chi phí sử dụng vốn giúp đưa ra quyết định về việc đầu tư vào các dự án có lợi nhuận cao nhất.
  • Quản lý ngân sách:  đóng vai trò trong xây dựng ngân sách của công ty. Nó giúp quản lý sử dụng các nguồn tài chính của công ty để đạt được mục tiêu kinh doanh và giảm thiểu chi phí vốn.
  • Đo lường tiến độ: Kết hợp tiến độ dự án với sử dụng vốn, chi phí sử dụng vốn có thể được sử dụng để đo lường tiến độ của dự án hoặc việc đầu tư. Nó giúp xác định liệu dự án đang tiến triển theo kế hoạch và có mang lại lợi ích tài chính như mong đợi hay không.
  • Tối ưu hóa vốn và nợ: cung cấp thông tin hữu ích cho các công ty có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh. Nó giúp tối ưu hóa việc sử dụng vốn và duy trì mức nợ thấp nhất để đáp ứng mong muốn của cổ đông

Trên đây là các thông tin liên quan đến thuật ngữ “Chi phí sử dụng vốn”. Quản lý chi phí sử dụng vốn là rất quan trọng để đảm bảo việc sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả, tối ưu hóa lợi nhuận và tăng cường giá trị cho doanh nghiệp. Hiểu rõ thuật ngữ sẽ giúp người quản lý đưa ra quyết định hợp lý về việc sử dụng vốn, cân nhắc rủi ro và lợi ích của từng dự án hoặc hoạt động kinh doanh. Hy vọng những nội dung mà Bizzi cung cấp có thể giúp ích cho công việc của các bạn.

>> Xem thêm: Bootstrapping là gì? 

>> Xem thêm: Giải thích thuật ngữ “Account Payable”

Theo dõi Bizzi để nhanh chóng nhận thông tin mới nhất:

Trở lại